Posted on by phuongtranhn


Quite surprised to find my first paper ever. Thanks to my mentors in VSL. Also be informed (in case you are interested in this kind of stuff) that the outcome of this measurement is not so good but for some purposes, it will be a handy, cheap and fast method, with acceptable tolerance.

Here you are:

http://www.sgtvt.danang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2185%3Aquan-trc-lc-cng-day-vng-trong-thi-cong-cu-mi-trn-th-ly&catid=5&lang=vi

Also noted that there's another version published on Ministry of Transport's journalist, but I'm not sure there's my name on the list.

 

Quan trắc lực căng dây trong thi công cầu mới Trần Thị Lý

Thứ ba, 02 Tháng mười 2012 11:03 PDF.  Array In Array  Email
   Tóm tắt: Ứng dụng lý thuyết dây rung để quan trắc, tính toán lực căng trong dây văng là một giải pháp đã được triển khai ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới đặc biệt là với các dây văng có chiều dài cáp không lớn, cấu tạo đầu neo đơn giản. Lần đầu tiên ở Đà Nẵng, Công ty VSL Việt Nam kết hợp cùng với Ban QLDA ĐTXD công trình GTCC, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng triển khai ứng dụng kỹ thuật này cho công tác quan trắc lực căng trong dây văng trong quá trình xây dựng cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý. Bài viết giới thiệu những kết quả và thành công bước đầu đạt được tại dự án cũng như khả năng ứng dụng quan trắc trong giai đoạn khai thác công trình.

 

Phối cảnh cầu mới Trần Thị Lý

Giới thiệu
Cầu dây văng Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý, được thiết kế như một điểm nhấn kiến trúc đặc trưng của thành phố biển Đà Nẵng với cặp đôi mặt phẳng dây văng neo đối xứng, kết nối với một cột tháp nghiêng có chiều cao 145m. Chiều dài cầu bao gồm bốn nhịp cầu dẫn có chiều dài 50m và nhịp dây văng có chiều dài 230m vượt qua khẩu độ thông thuyền.
Với đặc điểm kết cấu kiến trúc và cấu tạo, giải pháp thi công phức tạp, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thiết kế và lắp đặt một hệ thống quan trắc tự động và thường xuyên, liên tục cho phép theo dõi các biến động của dầm chủ, cột tháp và dây cáp văng để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình thi công. Hệ thống quan trắc còn cho phép kiểm tra các giả thiết tính toán thiết kế cũng như mở rộng ứng dụng của hệ thống phục vụ cho công tác phân tích ứng xử, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu trong quá trình khai thác.
Trên cơ sở các yêu cầu của Chủ đầu tư, Công ty VSL Việt nam đã đề xuất cung cấp và lắp đặt một hệ thống quan trắc bao gồm các nội dung chính sau:
• Đo đạc và theo dõi ứng suất trong các mặt cắt dầm chủ và cột tháp
• Đo đạc và theo dõi độ nghiêng của cột tháp
• Đo đạc và theo dõi nhiệt độ trong dầm chủ và cột tháp
• Đo đạc và theo dõi hướng và tốc độ gió
• Đo đạc và theo dõi lực căng trong cáp dây văng (07/63 dây)
• Đo đạc dao động trong dây cáp văng sử dụng hệ thống thiết bị đo cầm tay
Toàn bộ hệ thống được kết nối với các đầu thu nhận tín hiệu và hệ thống máy tính trung tâm đặt trong phòng điều khiển trên mặt cầu đảm bảo công tác thu nhận số liệu một cách thường xuyên và liên tục. Một phần mềm thu nhận số liệu được thiết kế riêng cho cầu dây văng Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý phục vụ công tác quan trắc trong quá trình thi công.

 

Hình 1: Các giao diện điển hình của phần mềm thu nhận và quản lý số liệu quan trắc

Ngoài chức năng thu nhận, xử lý và lưu trữ số liệu, phần mềm cũng được hỗ trợ một chức năng cảnh báo cơ bản khi các giá trị đo nằm trong khu vực nguy hiểm bằng các chỉ thị cảnh báo trên giao diện.
Bên cạnh đó, hệ thống còn cho phép mở rộng kết nối để phát triển thành hệ thống quan trắc phục vụ cho công tác theo dõi trong thời gian khai thác. Các thiết bị quan trắc được lựa chọn để lắp đặt trên công trình đều là các thiết bị được thiết kế và chế tạo để sử dụng lâu dài, chi phí duy tu bảo dưỡng là tối thiểu và ít bị ảnh hưởng bởi chiều dài dây dẫn.
Phương pháp đo và theo dõi lực căng trong dây văng
Trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều phương pháp kỹ thuật khác nhau đã được sử dụng để đánh giá lực căng trong dây cáp cầu dây văng trong quá trình thi công cũng như khai thác. Có thể kể đến các phương pháp điển hình như kiểm tra áp lực trong kích thủy lực, sử dụng đầu đo lực, quan trắc biến dạng, xác định độ dãn dài của đường cáp trong quá trình lắp đặt và căng kéo… Tác giả Casas đã chứng minh rằng các phương pháp này mặc dù việc mô tả là rất đơn giản tuy nhiên ứng dụng thực tế thường khó đạt hiệu quả mong muốn về mặt giá thành, tính chính xác cũng như khả năng áp dụng (Casas, 1994).
Tuy nhiên có một phương pháp đơn giản, nhanh chóng và không quá đắt tiền là phương pháp ứng dụng lý thuyết dây rung bằng cách xác định lực căng trong dây văng thông qua tần số dao động riêng, trọng lượng riêng đơn vị và chiều dài thực tế của bó cáp.
Khi đó, việc xác định lực căng trong dây văng có thể sử dụng công thức cơ bản của lý thuyết dây rung:

Trong đó T là lực căng trong dây văng, f là tần số dao động riêng thấp nhất của cáp văng, L là khoảng cách giữa hai điểm neo cố định của dây văng và m là trong lượng đơn vị theo chiều dài của cáp văng.
Phương pháp này đã được ứng dụng rất thành công và thể hiện tính hiệu quả trên thế giới cho các cầu dây văng có chiều dài cáp văng không lớn, cấu tạo neo đơn giản hay các đường cáp dự ứng lực ngoài (Demars and al., 1985).
Ngoài ra, để ứng dụng được lý thuyết dây rung trong tính toán lực căng trong dây cáp văng với độ chính xác cao nhất, kết quả đo đạc phải đảm bảo sự tuyến tính giữa các mode dao động và tần số dao động riêng. Để đạt được điều này, cần một số giả thuyết như sau:
• Mô men uốn trong cáp văng phải được coi là nhỏ và có thể bỏ qua;
• Không có các chuyển vị tương đối giữa đầu neo và cáp văng tại vị trí neo cáp;
• Cáp văng có độ dãn dài nhỏ. Các biến dạng của mode đối xứng không làm tăng lực căng trong dây văng.
Với các cầu có chiều dài dây cáp văng rất lớn và/hoặc cấu tạo đầu neo, chuyển hướng, giảm chấn phức tạp, việc xác định một cách chính xác chiều dài dao động thực tế của cáp văng trở nên khó khăn hơn rất nhiều (Kiska and al., 1991). Bên cạnh đó, khi có các cấu tạo chuyển hướng hoặc giảm chấn phức tạp, đặc tính dao động của cáp văng có thể khác biệt hoàn toàn với lý thuyết dây rung thông thường. Việc xác định tần số dao động riêng của các mode thấp nhất của dây văng có độ sai lệch lớn và do đó ảnh hưởng đến độ chính xác của công thức xác định lực căng (Robert and al., 1991).
Trong trường hợp đó, nhiều phương pháp khác nhau đã được đề xuất để nâng cao độ chính xác trong tính toán xác định lực căng trong dây văng. Nhóm biện pháp đơn giản nhất là kết hợp các kỹ thuật đo khác nhau cho phép bù trừ các sai số của biện pháp đo này với kết quả của một biện pháp đo khác sử dụng quy trình bình phương tối thiểu. Các nhóm giải pháp phức tạp hơn bao gồm việc xét đến ảnh hưởng của mô men uốn trong cáp văng hay độ dãn dài của cáp văng.
Phương pháp theo dõi lực căng trong dây văng sử dụng cho cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý
Để theo dõi lực căng trong cáp dây văng của cầu dây văng Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý, biện pháp đề xuất bởi Công ty VSL là sử dụng kết hợp hai phương pháp. Phương pháp thứ nhất sử dụng đầu đo lực loadcell HC160 được lắp đặt trên một số dây văng quan trọng để thường xuyên và tự động thu thập số liệu lực căng. Phương pháp thứ hai là sử dụng lý thuyết dây rung với thiết bị đo gia tốc cầm tay cung cấp bởi công ty VSL.
Việc sử dụng hai phương pháp kết hợp này thể hiện một số ưu điểm như sau:
• Là giải pháp rất phù hợp khi mà việc sử dụng đầu đo lực căng đảm bảo độ chính xác cao trong khi việc sử dụng phương pháp dây rung là phương pháp có hiệu quả kinh tế cao nhất;
• Việc kết hợp hai phương pháp trên cho phép đánh giá lực căng trong các dây văng với độ chính xác cao thông qua việc giảm thiểu các sai số của phương pháp dây rung;
• Trong quá trình khai thác, khi hệ thống giảm chấn và chuyển hướng được lắp đặt đầy đủ, các số liệu đo lực căng trong dây văng bằng đầu đo lực cho phép có các hiệu chỉnh hợp lý trong tình toán lực căng từ kết quả đo dao động mà có thể xét đến ảnh hưởng của các thiết bị trên.
  Tính lực căng trong dây văng từ kết quả đo dao động
Phương pháp đo lực căng trong dây văng gián tiếp qua tần số dao động riêng của dây văng là phương pháp dựa trên lý thuyết dây rung. Để giảm sai số có thể xuất hiện trong quá trình đo đạc tần số dao động riêng, người ta thường xác định các tần số dao động riêng ứng với các mode dao động đầu tiên. Lực căng trong dây văng có chiều dài tự do và trọng lượng riêng xác định khi đó sẽ được tính toán thông qua tần số dao động riêng fn thứ n sử dụng công thức sau đây (Cunha and al., 1995):


Trong đó T là lực căng trong dây văng, fn là tần số dao động riêng thứ n của cáp văng, L là khoảng cách giữa hai đầu cố định của dây văng và m là trong lượng đơn vị theo chiều dài của cáp văng.
Chiều dài của cáp văng và trọng lượng đơn vị có thể dễ dàng xác định trên bản vẽ cũng như chỉ tiêu kỹ thuật của cáp văng.
Để giảm thiểu sai số khi xác định tần số dao động riêng của cáp văng, đề xuất xác định năm tần số dao động riêng gần nhất để đưa vào trong tính toán trung bình lực căng theo phương pháp đã được ứng dụng cho công trình cầu dây văng Vasco da Gama và nhiều cầu dây văng khác trên thế giới (Cunha and al., 1995).
Xác định tần số dao động riêng của cáp văng
Để xác định tần số dao động riêng của cáp văng, một thiết bị đo gia tốc (accelerometer) đã được sử dụng bởi Công ty VSL. Thiết được gắn trên bề mặt ngoài của bó cáp thông qua một dây đai thép cho phép định vị chắc chắn thiết bị trên bó cáp. Vị trí điểm bố trí đo dao động nằm ở cao độ 5m trên mặt cầu để triệt tiêu ảnh hưởng của đầu neo khi đo dao động trên mặt đứng.
Hình 2 thể hiện kết quả phân tích tần số dao động riêng cho dây văng S215 sau khi căng kéo lần đầu tiên sử dụng thuật toán FFT.
Năm giá trị tần số dao động riêng liên tục gần nhau nhất được xác định và thể hiện trên biểu đồ tương ứng với các mode từ 3 đến 7.
Các giá trị này thỏa mãn đặc tính của mô hình không phân tán của lý thuyết dây rung như mô tả trên hình 3 (tuyến tính giữa tần số dao động riêng và mode dao động).

 

Hình 2: Kết quả phân tích tần số dao động riêng sử dụng thuật toán FFT đối với dây S215

 

Hình 3: Các tần số dao động riêng xác định được (dây văng S215)

Tính toán lực căng trong dây văng
Hai trong số các dây văng đã được thi công đến thời điểm hiện tại mà có lắp đặt các đầu đo lực đã được lựa chọn trong gian đoạn đầu của dự án để tiến hành đánh giá phương pháp tính toán lực căng gián tiếp qua tần số dao động riêng là dây văng số hiệu S215 (dây neo) và dây văng số hiệu S326 (dây văng nhịp chính).


Các tần số dao động riêng của dây văng số hiệu S215 sau khi căng kéo lần một tương ứng với các mode từ 3 đến 7 lần lượt là: 1.563; 2.100; 2.588; 3.125; 3.662 Hz (Hình 2) cho lực căng tính toán trung bình tương ứng bằng 2089.4kN so với lực căng đo được qua đầu đo lực (loadcell) là 2156kN. Sai số tương ứng là 3%.

 

Hình 4: Kết quả quan trắc lực căng trong dây văng S215 bằng đầu đo lực

Hình 4 thể hiện kết quả quan trắc lực căng trong dây văng số hiệu S215 tương ứng với thời điểm kiểm tra (sau khi căng kéo lần một).
Tương tự như với dây văng số hiệu S215, hình số 5 thể hiện kết quả phân tích tần số dao động riêng cho dây văng S326 sau khi căng kéo lần đầu tiên sử dụng thuật toán FFT. Các tần số dao động riêng ứng với các mode từ 2 đến 6 lần lượt là: 2.197; 3.320; 4.443; 5.518; 6.592 cho kết quả tính toán trung bình lực căng trong dây văng là 5177.7kN so với giá trị đo được qua đầu đo lực là 5183kN. Sai số do đó chỉ là 0.1%.

 

Hình 5: Kết quả phân tích tần số dao động riêng sử dụng thuật toán FFT đối với dây S326

 Kết luận
Xác định lực căng của dây văng gián tiếp thông qua dao động riêng cho các dây đã được lắp đặt và so sánh với thiết bị đầu đo lực gắn trên dây cáp văng cho kết quả tương đối chính xác. Phương pháp tính toán thể hiện ưu điểm đơn giản và hiệu quả. Điều này được giải thích qua thực tế là các dây cáp văng này chưa được lắp đặt hệ chuyển hướng và giảm chấn do đó vẫn làm việc hoàn toàn theo nguyên lý dây rung.
Kết quả thực nghiệm ứng dụng kết hợp hai phương pháp theo dõi lực căng dây văng khẳng định tính hiệu quả của biện pháp tính toán lực căng trong dây văng thông qua dao động riêng. Nó cũng mở ra khả năng kiểm tra, hiệu chỉnh để ứng dụng theo dõi cáp văng trong quá trình khai thác sau khi đã lắp đặt hệ chuyển hướng và giảm chấn cũng như áp dụng rộng rãi cho các công trình cầu dây văng tương tự./.

Nguyễn Phương Duy, Trần Minh Phương, Trần Đức Lân
Cty TNHH VSL Việt nam

Posted on by phuongtranhn | Posted in Phuong as an engineer at VSL


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *